LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN

 

 

TRƯỜNG CAO ĐẲNG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH ĐÔ THỊ

NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN (1976 - 2016)

 

 

A. THÔNG TIN CHUNG

 

I. Tên gọi của Trường qua các thời kỳ:

    Ngày 17/02/1976: Trường Giáo viên Dạy nghề xây dựng thành lập theo Quyết định số 819/BXD-TC ngày 17/02/1976 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

    Ngày 05/5/1984: Trường Sư phạm Kỹ thuật xây dựng được thành lập dựa trên việc hợp nhất giữa Trường Giáo viên Dạy nghề xây dựng với Trường Công nhân Kỹ thuật xây dựng số I theo Quyết định số 576/BXD-TCCB ngày 05/5/1984 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

    Ngày 12/6/1998: Trường Trung học Xây dựng Công trình đô thị được thành lập trên cơ sở nâng cấp Trường Sư phạm Kỹ thuật xây dựng theo Quyết định số 381/QĐ-BXD ngày 12/6/1998 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

    Ngày 16/02/2004: Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị được thành lập trên cơ sở nâng cấp Trường Trung học Xây dựng Công trình đô thị theo Quyết định số 685/QĐ-BGD&ĐT-TCCB của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 

II. Vị trí:

Cơ sở 1: xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội;

Cơ sở 2: số 1355 đường Nguyễn Tất Thành, phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

 

B. NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

 

I. Giai đoạn 1976 – 1984: Trường Giáo viên Dạy nghề xây dựng

    Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước bước sang một giai đoạn mới: giai đoạn khôi phục và phát triển kinh tế. Lực lượng lao động bị thiếu hụt nghiêm trọng do phải huy động sức người, sức của phục vụ kháng chiến. Lực lượng lao động lúc này mới bắt đầu có điều kiện để học nghề, học trung học, cao đẳng, đại học hoặc đi theo trào lưu lao động hợp tác quốc tế. Do vậy, các ngành công nghiệp từ địa phương đến Trung ương đều thiếu cán bộ, công nhân kỹ thuật nghiêm trọng. Các trường chuyên nghiệp, nhất là số trường dạy nghề hầu hết là trường bên cạnh xí nghiệp với quy mô đào tạo manh mún, nhỏ nhoi, cung không đủ cầu.

    Để nhanh chóng khắc phục sự thiếu hụt lực lượng lao động đã được đào tạo hoặc bồi dưỡng nghề nghiệp, hàng loạt trường đào tạo công nhân kỹ thuật được thành lập thay thế các trường bên cạnh xí nghiệp nhằm đào tạo lực lượng lao động đáp ứng kịp thời cho nhu cầu của các Bộ, ngành.

    Trong hoàn cảnh đó, nhằm đào tạo đội ngũ giáo viên, công nhân kỹ thuật phục vụ nhu cầu về nguồn nhân lực có tay nghề, Bộ Xây dựng đã ra quyết định số 819/BXD-TC thành lập Trường Giáo viên Dạy nghề xây dựng.

    Những ngày đầu thành lập, trường có 21 cán bộ giáo viên, cơ sở vật chất nghèo nàn với hơn 1000 m2 nhà tạm và nhà cấp IV trên diện tích 0,7 ha. Nhiệm vụ chính của Trường là tuyển sinh, đào tạo giáo viên dạy nghề xây dựng (Mộc, Nề, Bê tông, Bê tông cốt thép, Lắp ghép cấu kiện, Trang trí hoàn thiện, Vận hành máy xây dựng, Sản xuất vật liệu xây dựng, Khảo sát đo đạc,…). Bộ máy tổ chức của Trường gồm có:

-  Ban Giám hiệu: Ông Nguyễn Thế Tố - Phó Hiệu trưởng phụ trách;

-  Phòng Giáo vụ: Ông Phạm Quang Lễ - Trưởng phòng;

-  Phòng Thực hành và Thiết bị kỹ thuật;

-  Phòng Hành chính - Quản trị: Ông Nguyễn Hữu Nhật - Trưởng phòng;

-  Phòng Tổ chức nhân sự: Ông Nguyễn Việt Bắc - Trưởng phòng;

-  Trạm Y tế: Ông Cao Văn Xuyên - Trưởng trạm;

-  Các xưởng thực tập cơ bản và phòng thí nghiệm.

 

Thầy Nguyễn Thế Tố, nguyên Phó Hiệu trưởng nhà trường giai đoạn 1976 – 1984

trồng cây lưu niệm tại Trường năm 2002

 

II. Giai đoạn 1984 – 1998: Trường Sư phạm Kỹ thuật xây dựng

    Từ năm 1981, nhu cầu đưa học sinh đi học tập, lao động trong lĩnh vực xây dựng tại các nước Đông Âu ngày càng tăng khiến việc đào tạo giáo viên dạy nghề và lực lượng công nhân kỹ thuật trở nên cấp thiết. Để đáp ứng với nhiệm vụ trên, Bộ Xây dựng ra Quyết định số 576/BXD-TCCB ngày 05/5/1984 thành lập Trường Sư phạm Kỹ thuật xây dựng trên cơ sở hợp nhất Trường Giáo viên Dạy nghề xây dựng với Trường Công nhân Kỹ thuật xây dựng số I. Trường Sư phạm Kỹ thuật xây dựng là đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng đặt tại xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.

    Cùng với đó, Bộ Xây dựng đã có quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Ngọc Chính giữ chức vụ Hiệu trưởng. Đây là vị Hiệu trưởng đầu tiên của nhà trường, nhưng là sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo thứ hai kể từ ngày nhà trường được thành lập.

    Giai đoạn này, Bộ Xây dựng huy động nguồn lực lao động chuẩn bị đi hợp tác và nguồn vật tư từ các công trình xây dựng khác về xây dựng khu lớp học và khu nhà ăn. Ngôi nhà 3 tầng (nay là nhà A2) và khu nhà ăn (nay là nhà B3) khang trang, to đẹp là niềm tự hào của ngành Xây dựng, hoàn thành vào những năm 1986-1987.

    Cùng với đào tạo các lớp giáo sinh, nhiệm vụ chủ yếu của Trường trong giai đoạn này là đào tạo, đưa đón công nhân trong và ngoài ngành Xây dựng đi hợp tác lao động ở các nước Đông Âu, An-giê-ri, I-rắc. Trường cũng đào tạo một số nghề như nề, mộc, bê tông nhằm bổ sung lao động cho các công trường xây dựng, trong đó có công trình thủy điện Sông Đà, Nhà máy Bê tông Xuân Mai, Nhà máy nhiệt điện Phả Lại,… Đồng thời, nhà trường tuyển sinh 02 lớp giáo viên dạy nghề xây dựng đầu tiên của ngành Xây dựng với 78 giáo sinh.

    Cuối năm 1991, Bộ Xây dựng đã có quyết định điều động và bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Tố giữ chức vụ Hiệu trưởng nhà trường; đó là dấu ấn chuyển giao thế hệ lãnh đạo thứ ba của nhà trường kể từ ngày thành lập.

    Năm 1992, Đảng bộ Trường Sư phạm Kỹ thuật xây dựng chuyển sinh hoạt từ Huyện ủy Tiên Sơn (Hà Bắc) về Huyện ủy Gia Lâm (Hà Nội). Nhà trường được sự quan tâm, tạo điều kiện và chỉ đạo trực tiếp từ Bộ Xây dựng; với sự giúp đỡ tận tình của các cơ quan hữu quan trong và ngoài Ngành cùng sự giúp đỡ của địa phương đã góp phần tạo điều kiện cho Trường từng bước đi lên vững chắc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

    Ngay sau khi Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, Trường chuyển hướng tập trung vào nhiệm vụ đào tạo. Ngay trong năm học 1992-1993, Trường liên kết với trường CĐ Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên tuyển sinh hệ Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật xây dựng đầu tiên. Kể từ đó, công tác đào tạo Sư phạm Kỹ thuật xây dựng trình độ cao đẳng hệ chính quy và các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm bậc 1, bậc 2 đã góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên dạy nghề ngành Xây dựng, góp phần khẳng định vai trò và vị thế của Nhà trường trong ngành Xây dựng.

    Cùng với đào tạo giáo viên Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật xây dựng, giai đoạn này Nhà trường chủ động xây dựng nội dung chương trình đào, tăng cường cơ sở vật chất, tuyển dụng thêm đội ngũ giáo viên có trình độ để mở thêm các nghề: Điện-Nước, Hàn, Mộc mỹ nghệ, Khảm trai; và trở thành trường đầu tiên của ngành Xây dựng đào tạo nghề Điện-Nước. Giai đoạn này, Nhà trường đặc biệt trú trọng đến đào tạo tay nghề cho học sinh nên thầy và trò Nhà trường đã tận dụng vì kèo, khung thép phế liệu để dựng nên xưởng thực hành nghề xây dựng ngay sát cổng vào trường (nay là vị trí của nhà để xe máy gần Hội trường B3-101) với diện tích 300 m2, đủ để triển khai quy trình thực tập nghề Nề từ công việc xây, trát, ốp đến lắp đặt thiết bị vệ sinh. Cùng với xây dựng xưởng Nề, trường cải tạo khu nhà kho sau nhà học chính làm xưởng nguội, xưởng điện, xưởng hàn, xưởng mộc xây dựng và xưởng mộc mỹ nghệ (khu xưởng này được thay thế bằng  giảng đường 5 tầng - nhà A4 hiện nay).

 

Hiệu trưởng Nguyễn Văn Tố cùng các quan khách tại lễ khởi công xây dựng Ký túc xá 5 tầng, năm 1997

 

    Trong giai đoạn này, Nhà trường tăng cường công tác nghiên cứu khoa học và mở rộng hợp tác quốc tế nhằm tăng cường cơ hội đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đổi mới nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy. Bộ tài liệu học tập theo mô-đun cho 06 nghề trong lĩnh vực xây dựng đã được Bộ nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Dạy nghề cho người di tản về nước do EC tài trợ là chương trình Hợp tác quốc tế đầu tiên được triển khai.

    Tiếp đó, Trường triển khai hợp tác đào tạo 100 công nhân nghề Ốp lát với Công ty LATEN đến từ Nhật Bản, trong số đó có 21 học sinh được sang tu nghiệp tại Nhật Bản. Ngày 04/4/1997, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ký quyết định thành lập Trung tâm Đào tạo ngành Nước và Môi trường quốc gia trực thuộc Trường Sư phạm Kỹ thuật xây dựng đã góp phần nâng cao vị thế và uy tín của nhà trường trong việc tổ chức tuyển sinh và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Xây dựng.

 

Lễ ký thỏa thuận tài chính thực hiện Dự án Trung tâm Đào tạo ngành Nước và Môi trường quốc gia, năm 2001

 

    Ngày 15/9/1994, Bộ Xây dựng đã có công văn đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép Trường Sư phạm Kỹ thuật xây dựng trực tiếp tuyển sinh, đào tạo giáo viên dạy nghề xây dựng bậc Cao đẳng;

    Ngày 29/12/1995, tại Quyết định số 852/BXD-TCLĐ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có công văn gửi các cơ quan hữu trách Nhà nước về xếp thứ tự ưu tiên số 1 đầu tư cho Trường Sư phạm Kỹ thuật xây dựng;

    Ngày 13/2/1997, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký Quyết định số 491/GD-ĐT cho phép trường Sư phạm Kỹ thuật xây dựng được trực tiếp đào tạo Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật xây dựng.

    Giai đoạn này, cơ sở vật chất của Nhà trường được cải thiện đáng kể:

- San lấp ao hồ mở rộng trường: 14.000 m3 cát đá;

- Nhà học chính 3 tầng: 3.000 m2;

- Xưởng thực hành: 800 m2;

- Nhà ăn 500 chỗ: 650 m2;

- 4 nhà ở 2 tầng: 2.450 m2;

- Trạm bơm nước sinh hoạt: 500 m3/ngày đêm;

- Trạm biến thế điện: 320 kVA;

- Sân bãi, đường đi: 20.000 m2;

- Thiết bị xưởng thực hành và các công cụ giảng dạy.

    Với tổng giá trị 1,95 tỷ đồng bao gồm các khối lượng công việc chủ yếu: Xây 3.000 m3 tường các loại; Đổ 4.600 m3 bê tông; Làm 160 tấn Cốt thép; Trát 38.000 m2; Ốp lát 10.000 m2 gạch.   

 

III. Giai đoạn 1998 – 2004 (Trường Trung học Xây dựng Công trình đô thị)

    Sau thành công của dự án thành lập Trung tâm Đào tạo ngành Nước và Môi trường quốc gia giai đoạn 1 (1997 - 1998), trước nhu cầu của thị trường lao động về nhân lực hạ tầng kỹ thuật đô thị, được sự đồng ý về chủ trương của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Ngô Xuân Lộc, lãnh đạo nhà trường đã cùng các cơ quan liên quan chuẩn bị các điều kiện và thủ tục cần thiết để nâng cấp Trường Trung học Xây dựng Công trình đô thị trên cơ sở Trường Sư phạm Kỹ thuật xây dựng. Tháng 6/1998, ngay sau khi có Quyết định thành lập Trường Trung học Xây dựng Công trình đô thị, tập thể lãnh đạo, cán bộ, giáo viên và công nhân viên nhà trường đã không ngừng phấn đấu, tập trung xây dựng đội ngũ; nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị; xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo để sớm tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng yêu nhu cầu của doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu lao động.

    Tháng 11/2000, đánh dấu lần chuyển giao thế hệ lãnh đạo thứ tư, thầy Nguyễn Bá Thắng Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng nhà trường được Bộ trưởng Bộ Xây dựng bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng thay thầy Nguyễn Văn Tố được Bộ điều động đi nhận nhiệm vụ mới. Công cuộc đổi mới toàn diện nhà trường với 3 trụ cột về đội ngũ, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo được triển khai đồng bộ với quyết tâm cao.

    Về đội ngũ, khi mới thành lập trường Trung học, nhà trường có 70 người; trong đó có đội ngũ giáo viên với 40 người chủ yếu là trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp. Sau 6 năm, với sự đổi mới quyết liệt cùng sự đồng thuận cao của tập thể cán bộ, giáo viên, nhà trường đã ổn định cơ cấu tổ chức với 01 Phân hiệu, 05 Phòng ban, 02 Khoa và 02 Trung tâm chuyên ngành với 110 cán bộ, công nhân viên và giáo viên. Đội ngũ giáo viên đã trưởng thành về mọi mặt với sự quyết tâm “tự học tập, tự bồi dưỡng, tự nâng cao trình độ” của mỗi cán bộ, giáo viên trên cơ sở hỗ trợ về thời gian và kinh phí của nhà trường, 100% giáo viên đạt chuẩn về chuyên môn và nghiệp vụ, trong đó, 20% trình độ sau đại học; 60% trình độ đại học; còn lại là trình độ cao đẳng và thợ tay nghề cao giảng dạy thực hành.

    Nhà trường bắt đầu tham gia huấn luyện và dự thi các kỳ thi tay nghề cấp Bộ Xây dựng, cấp quốc gia và ASEAN. Năm 1999, 10 thí sinh của nhà trường đều đạt giải cấp Bộ với 3 em đạt giải Xuất sắc. Năm 2001, 04 thí sinh của trường đã đạt 02 giải Nhất, 01 giải Nhì, 01 giải Ba tại kỳ thi tay nghề quốc gia. Tại các kỳ thi ASEAN II tại Thái Lan (năm 2000) và ASEAN III tại Indonesia (2002) Nhà trường được Hội đồng thi quốc gia giao nhiệm vụ huấn luyện thi 03 nghề (Hàn, Lắp đặt điện, Lắp đặt đường ống) và các thí sinh do nhà trường huấn luyện đã đạt thành tích cao góp phần đưa đoàn Việt Nam nằm trong tốp những quốc gia đứng đầu khu vực. Ngoài đào tạo kỹ thuật viên và CNKT, nhà trường còn liên kết cùng trường ĐH Kiến trúc Hà Nội tổ chức đào tạo 02 lớp Đại học tại chức cho 120 sinh viên chuyên ngành Cấp thoát cho các công ty Cấp thoát nước. Ngoài ra, nhà trường còn đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho hàng ngàn Kỹ thuật viên trình độ Trung cấp, công nhân lành nghề của nhiều công ty Cấp thoát nước thuộc các tỉnh thành trong cả nước, tiêu biểu như công ty Cấp thoát nước Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Vũng Tàu…

    Từ 10/2001, được sự ủng hộ của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Mạnh Kiểm, Nhà trường tiếp tục được Bộ Xây dựng tín nhiệm giao thực hiện giai đoạn II của dự án “Trung tâm Đào tạo ngành Nước và Môi trường” do Chính phủ Cộng hòa Pháp tài trợ. Trong khuôn khổ dự án, Nhà trường đã xây dựng được hệ thống xưởng thực hành, thực nghiệm, thí nghiệm hiện đại trong lĩnh vực nước và môi trường như: Nhà máy xử lý nước ngầm công suất 1000 m3/ngđ; Nhà máy xử lý nước mặt công suất 114 m3/ngđ; Phòng đánh giá chất lượng nước; Xưởng thực hành vận hành, bảo dưỡng máy bơm nước; Xưởng van và đường ống; Xưởng lắp đặt và kiểm định đồng hồ đo nước; Các mô hình thí nghiệm xử lý nước; Xưởng cơ khí; Xưởng hàn. Trên 1000 Cán bộ quản lý, kỹ thuật viên, Công nhân kỹ thuạt thuộc các công ty Cấp thoát nước đã được đào tạo, bồi dưỡng tại Trung tâm, 16 chuyên gia chuyên ngành Cấp thoát nước từ hai nước bạn Lào và Campuchia, 9 giáo viên chuyên ngành Cấp thoát nước từ 04 trường trong và ngoài ngành Xây dựng đã được đào tạo, bồi dưỡng bài bản và khoa học tại Trung tâm. 6 giáo viên của nhà trường đã được cử đi học tập nâng cao trình độ chuyên ngành Cấp thoát nước tại CH Pháp từ 6 đến 12 tháng.

 

Hiệu trưởng Nguyễn Bá Thắng cùng các quan khách tại lễ khởi công xây dựng Trung tâm Đào tạo

ngành Nước và Môi trường năm 2002

 

Trung tâm Đào tạo ngành Nước và Môi trường sau khi hoàn thiện

 

    Năm 2003, trước yêu cầu đòi hỏi về nhân lực lĩnh vực kỹ thuật hạ tầng đô thị tại khu vực miền Trung và Tây nguyên, được sự quan tâm, ủng hộ của Bộ Xây dựng mà trực tiếp là Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân; sự quan tâm, ủng hộ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế  mà trực tiếp là Chủ tịch Nguyễn Văn Mễ; cùng với sự quyết tâm của tập thể lãnh đạo Trường Trung học Xây dựng Công trình đô thị đứng đầu là ông Nguyễn Bá Thắng - Bí thư Đảng ủy - Hiệu trưởng, Nhà trường đã nghiên cứu đề án mở rộng và thành lập Phân hiệu tại Thừa Thiên - Huế trực thuộc trường. Ngày 24/9/2003, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký Quyết định số 1195/QĐ-BXD thành lập Phân hiệu Trung học Xây dựng Công trình đô thị tại Thừa Thiên - Huế trực thuộc trường Trung học Xây dựng Công trình đô thị. Kể từ khi thành lập đến nay, Phân hiệu đã không ngừng phát triển, đào tạo được hàng nghìn hàng nghìn lượt sinh viên, học sinh và người lao động, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội tại các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên.

 

Lễ ra mắt và khai giảng Khóa 1 tại Phân hiệu Thừa Thiên Huế

 

    Như vậy, trong 6 năm nỗ lực phấn đấu xây dựng cùng với sự thụ hưởng những kết quả của dự án Việt - Pháp giai đoạn 2, đến năm 2004, tập thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường tự hào với một cơ sở đào tạo khang trang, hiện đại với 2 cơ sở:

- Cơ sở 1 tại Hà Nội diện tích 5 ha;

- Cơ sở 2 tại Thừa Thiên – Huế diện tích gần 3,7 ha;

- Tổng diện tích nhà xưởng có diện tích 220.000 m2 với các xưởng thực hành:

+ Xưởng thực hành nghề Xây dựng;

+ Xưởng thực hành nghề Điện dân dụng;

+ Xưởng thực hành nghề Điện công nghiệp;

+ Xưởng thực hành Điện tử, Điện tử ứng dụng và nâng cao;

+ Xưởng thực hành Kỹ thuật điện; Máy điện;

+ Xưởng thực hành nghề Lắp đặt điện;

+ Xưởng thực hành nghề Hàn;

+ Xưởng thực hành Nguội và cơ khí;

+ Khu thực hành Lắp đặt đường ống nước ngoài nhà;

+ Xưởng thực hành nghề Lắp đặt đường ống nước trong nhà;

+ Nhà máy xử lý nước cấp (phục vụ cho nhu cầu sử dụng nước sạch của nhà trường và một số hộ dân xung quanh);

+ Mô hình khu xử lý nước thải;

+ Mô hình mạng lưới đường ống thành phố thu nhỏ.

    Ngoài ra, nhà trường còn có các khu phòng học ngoại ngữ 24 ca-bin hiện đại, phòng máy vi tính 100 máy hiện đại, thư viện trên 10.000 cuốn sách với 700 đầu sách chuyên ngành.

    Hoạt động nghiên cứu khoa học và biên soạn tài liệu, giáo trình cũng được thúc đẩy mạnh mẽ trong giai đoạn này. 09 đề tài, dự án cấp Bộ (Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Lao động – Thương binh và Xã hội) đã được nghiệm thu. 12 chương trình đào tạo và giáo trình được Bộ phê duyệt và áp dụng toàn quốc; biên dịch và phát hành tài liệu Sổ tay kỹ thuật nước của CH Pháp; nghiên cứu xây dựng bổ sung 02 chương trình bậc Cao đẳng, 01 chương trình bậc Trung cấp, 02 chương trình đào tạo CNKT. Đặc biệt, các mô hình học cụ, thiết bị dạy học do giáo viên thiết kế và chế tạo cho các chuyên ngành Cấp thoát nước, Điện dân dụng và công nghiệp đã đạt giải vàng tại các kỳ thi thiết bị dạy học tự làm toàn quốc và được nhiều trường trong và ngoài Ngành đặt hàng lắp đặt.

    Thời kỳ này cũng là khởi đầu của quy hoạch tổng thể và xây dựng cảnh quan sư phạm nhà trường với dấu ấn đặc biệt của thầy Hiệu trưởng TS. Nguyễn Bá Thắng. Hàng nghìn mét vuông diện tích sân vườn, hàng trăm cây xanh và cây cảnh đã được, hàng chục mô hình tượng đá, hàng nghìn mét đường giao thông nội bộ đã tạo nên một cảnh quan xanh – sạch – đẹp như một mô hình khu đô thị - công viên thu nhỏ. GS.TS Nguyễn Mạnh Kiểm – Bộ trưởng Bộ Xây dựng thời bấy giờ cũng được các thế hệ của nhà trường nhớ đến khi Bác chính là người đưa ra ý tưởng hình thành Hồ điều hòa trong khuôn viên nhà trường khi thực hiện quá trình giải phóng mặt bằng, san lấp và mở rộng nhà trường, thực hiện dự án Trung tâm Đào tạo ngành Nước và Môi trường những năm đầu thế kỷ này.  

    Đây là những tiền đề rất quan trọng để các Bộ ngành liên quan xem xét, quyết định nâng cấp Trường thành Trường Cao đẳng chỉ sau 6 năm tổ chức hoạt động theo Điều lệ Trường Trung học chuyên nghiệp.

 

IV. Giai đoạn 2004 đến nay (Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị - CUWC)

    Ngày 16 tháng 02 năm 2004, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký quyết định số 685/QĐ-BGD&ĐT-TCCB thành lập Trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị. Ngay sau khi được nâng cấp thành Trường Cao đẳng, lãnh đạo nhà trường đã thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp nhằm hoàn thiện việc xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường đội ngũ giáo viên, tổ chức đào tạo, xây dựng chương trình, mở rộng quy mô và ngành nghề đào tạo.

 

Bộ Trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân tại Lễ công bố Quyết định thành lập

Trường Cao đẳng XDCT đô thị năm 2004

 

    Về phát triển đổi ngũ: Nhằm đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng dạy của một Trường Cao đẳng, nhà trường đã tạo điều kiện cho các giáo viên tiếp tục học tập nâng cao trình độ trong và ngoài nước; bồi dưỡng nghiệp vụ nghề nghiệp, ngoại ngữ và tin học nhằm phục vụ công tác giảng dạy; hơn 20 giáo viên đã được cử đi học tập nâng cao trình độ tại CH Pháp, CHLB Đức, Nhật Bản, New Zealand,... Sau 10 năm nâng cấp lên Trường Cao đẳng, đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên, viên chức và người lao động nhà trường đã tăng gấp đôi lên trên 220 người, trong đó 80% là giảng viên, giáo viên. Nhà trường đã có 3 tiến sĩ, 80 thạc sĩ, 3 chuyên gia nghề cấp quốc tế, 10 chuyên gia nghề cấp quốc gia và cấp Bộ. Đó là sự nỗ lực không ngừng của từng cán bộ, viên chức nhà trường.

    Về tổ chức đào tạo: Tháng 8/2004, nhà trường chính thức tuyển sinh khóa sinh viên Cao đẳng đầu tiên với 116 sinh viên chuyên ngành Cấp thoát nước và 51 sinh viên chuyên ngành Sư phạm Kỹ thuật xây dựng, đánh dấu một bước tiến mới trong công tác đào tạo của nhà trường. Kể từ đó, quy mô đào tạo trình độ cao đẳng không ngừng tăng về số lượng sinh viên và số chuyên ngành được mở rộng. Đến năm 2005, nhà trường đã xây dựng và mở thêm chuyên ngành Điện đô thị trình độ Cao đẳng, tổng số sinh viên tuyển sinh mới là 247. Năm 2008, mở thêm 02 chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng và Tin học ứng dụng tổng số sinh viên trúng tuyển là 675 em. Năm 2009, mở thêm 02 chuyên ngành Kỹ thuật trắc địa và Quản lý xây dựng với tổng cộng 832 sinh viên. Năm 2012, mở thêm 01 chuyên ngành Kỹ thuật hạ tầng đô thị và tổng số sinh viên tuyển sinh là 1500. Năm 2013, trường mở thêm 05 chuyên ngành: Kỹ thuật Tài nguyên nước, Kỹ thuật môi trường, Công nghệ Kỹ thuật kiến trúc, Công nghệ Kỹ thuật điện công trình, Hệ thống kỹ thuật trong công trình. Lưu lượng học sinh, sinh viên ổn định với lưu lượng 4.000 HSSV/năm. Ngoài ra, hàng năm các Trung tâm đào tạo chuyên ngành của nhà trường đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ cho từ 3.500 đến 4.000 học viên của các doanh nghiệp trong lĩnh vực cấp thoát nước, xây dựng và điện; một số không nhỏ trong số đó được bồi dưỡng tay nghề để tham gia xuất khẩu lao động sang Trung Đông, Hàn Quốc và Nhật Bản…

    Về cơ sở vật chất: Tiếp tục thực hiện cải tạo và xây dựng các công trình, cảnh quan môi trường với những công trình lớn được thực hiện. Một loạt công trình tại Phân hiệu Huế như nhà Hiệu bộ, giảng đường 2 tầng, nhà xưởng số 2 đã được khánh thành năm 2004 và 2007. Các xưởng thực hành các nghề Đường ống nước, Nguội, Điện, Xây dựng(tại cơ sở 1) cũng được khánh thành và đưa vào sử dụng trong các năm 2005, 2007, 2009. Năm 2008, hoàn thành xây dựng giảng đường 5 tầng (nhà A4 hiện nay tại cơ sở 1) tạo điều kiện cho hoạt động dạy và học của hàng nghìn học sinh, sinh viên. Cùng với việc xây dựng các công trình là quá trình đầu tư trang thiết bị cho các hoạt động dạy và học. Hàng chục máy chiếu Projector, hàng chục ca-bin học ngoại ngữ, hàng trăm máy vi tính, hàng trăm máy móc, thiết bị phục vụ đào tạo cho các chuyên ngành và kỹ năng nghề trong lĩnh vực Cấp thoát nước, Điện, Xây dựng, Trắc địa đã được trang bị. Đây được coi là tiền đề, là môi trường thuận lợi cho cán bộ, giảng viên, giáo viên và học sinh, sinh viên phát huy hết năng lực dạy và học nhằm tiếp tục khẳng định chất lượng đào tạo hàng đầu trong hệ thống các trường đào của cả nước; qua đó, nhiều thành công lớn đến từ các kỳ thi giáo viên dạy giỏi, kỳ thi tay nghề các cấp của học sinh đã được chính giáo viên và học sinh, sinh viên nhà trường ghi dấu.

    Về xây dựng cảnh quan môi trường: Một trong những dấu ấn lớn của giai đoạn này là cảnh quan, cây xanh và các hạng mục công trình được triển khai trên cơ sở quy hoạch đồng bộ tạo nên môi trường sư phạm xanh – sạch – đẹp, tạo ấn tượng khó quên cho bất cứ ai khi đặt chân đến thăm. Toàn bộ cây xanh trong nhà trường được chăm sóc, cắt tỉa định kỳ và đánh số với đầy đủ thông tin quản lý như một mô hình đô thị thu nhỏ; đây là một mô hình Quản lý cây xanh đô thị - một nội dung nghiên cứu trong Xây dựng Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia do Bộ Xây dựng và Bộ LĐTB&XH phối hợp thực hiện và giao cho nhà trường thực hiện, đã được nghiệm thu năm 2008. Mô hình cầu sắt và đảo thanh niên giữa lòng hồ sinh thái do Thầy và Trò nhà trường thực hiện năm 2003 (tiếp tục được cải tạo năm 2013) kết hợp với mô hình Nhạc nước (2009) trên mặt hồ điều hòa cũng đã và đang là một điểm nhấn đẹp trong tổng thể cảnh quan nhà trường. Cùng với hệ thống giảng đường và xưởng thực hành đồng bộ, hiện đại, những điểm nhấn về cảnh quan môi trường này là một trong những lý do góp phần vào thành công của quá trình hội nhập quốc và khẳng định vị thế của nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân với hàng loạt dự án trong nước và quốc tế.

 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ) trồng cây lưu niệm tại Trường (xuân 2012)

 

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn và ông Bertram Lenk - Giám đốc BFW Glauchau (CHLB Đức)

trồng cây lưu niệm tại Trường (11/2009)

 

    Về hợp tác quốc tế: Được sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện của lãnh đạo Bộ Xây dựng và các Bộ ngành liên quan, hoạt động hợp tác quốc tế được nhà trường xúc tiến thường xuyên với nhiều dự án được phê duyệt:

+ Tiếp tục thực hiện dự án “Trung tâm Đào tạo ngành Nước và Môi trường” giai đoạn II với Chính phủ Pháp và bàn giao toàn bộ cho nhà trường năm 2007;

+ Tiếp nhận và thực hiện dự án “Trợ giúp kỹ thuật các công ty cấp nước Việt Nam được hưởng quỹ tín dụng hỗn hợp của Đan Mạch” (2005-2007);

+ Tiếp nhận và thực hiện dự án “Hợp tác kỹ thuật Nhật Bản phát triển nguồn nhân lực cho các công ty cấp nước đô thị tại miền Trung Việt Nam” (2010-2013);

+ Phối hợp với đối tác BFW (CHLB Đức) từ 11/2007 để thực hiện nhiều công việc chuẩn bị cho các dự án lớn như đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tại Đức, tìm kiếm doanh nghiệp tài trợ từ Đức,…và dự án “Xây dựng mô hình nhà ở thân thiện với môi trường giữa CUWC – BFW (CHLB Đức)” (2012-2015) đã được thực hiện.

    Thành công lớn từ các dự án hợp tác quốc tế cũng chính là mục tiêu, tôn chỉ khi nhà trường bắt tay hợp tác với đối tác nước ngoài, đó là:

+ Tiếp nhận và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực thế mạnh của nhà trường (cấp thoát nước, xây dựng, điện). Hàng chục tỷ đồng tiền máy móc, thiết bị của các dự án đã được giải ngân với các máy móc, thiết bị hiện đại đến từ các nước phát triển (Pháp, Nhật Bản, CHLB Đức);

+ Thỏa thuận và chuyển giao chương trình đào tạo, tài liệu chuyên ngành đối với các lĩnh vực hợp tác. Các chương trình đào tạo tiên tiến, các tài liệu kỹ thuật do các đối tác cung cấp được biên dịch và xuất bản thực sự là tài sản quý cho quá trình hội nhập và phát triển công nghệ trong dạy và học;

+ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên hạt nhân tại chính các nước phát triển (hơn 20 người đã được tham gia) hoặc các khóa chuyển giao công nghệ tại nhà trường do các chuyên gia hàng đầu nước ngoài thực hiện đối với giảng viên, giáo  viên nhà trường (hơn 70 lượt người đã tham gia).

   Tháng 3/2012, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ký quyết định bổ nhiệm Thầy Bùi Hồng Huế - Phó Hiệu trưởng giữ chức vụ Hiệu trưởng thay Thầy Nguyễn Bá Thắng về nghỉ chế độ. Đây là dấu mốc chuyển giao thế hệ lãnh đạo thứ năm từ khi thành lập nhà trường. Kể từ khi nhận nhiệm vụ, Hiệu trưởng Bùi Hồng Huế cùng với các đồng chí trong tập thể Ban chấp hành Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Công đoàn và Đoàn Thanh niên luôn phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, tiếp tục đổi mới và phát triển Nhà trường.

 

Hiệu trưởng Bùi Hồng Huế phát biểu tại Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11

và khời công công trình Nhà học đa năng 7 tầng năm 2015

 

    Một số kết quả chủ yếu trong giai đoạn này:

+ Đổi mới quy trình tuyển dụng giáo viên, giảng viên; triển khai đánh giá thực trạng chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ đội ngũ giảng viên, giáo viên để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn.

+ Ổn định số lượng học sinh, sinh viên chính quy và học viên không chính quy hàng năm;

+ Khuyến khích, đầu tư cho việc học tập, nâng cao trình độ của cán bộ giáo viên: cử cán bộ đi tập huấn nước ngoài, hỗ trợ học phí cho học viên cao học, hỗ trợ học phí và 50 đến 100 triệu đồng cho nghiên cứu sinh chuyên ngành;

+ Triển khai 5S trong mọi mặt hoạt động của nhà trường; hoàn thiện các quy trình và hệ thống văn bản pháp quy thống nhất nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý, giảng dạy và học tập;

+ Tiếp tục tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế với các đối tác từ Nhật Bản, CHLB Đức, Hàn Quốc và thiết lập mối quan hệ với hàng trăm doanh nghiệp trong nước;

+ Tiếp tục được tín nhiệm và tổ chức thành công nhiều Kỳ thi tay nghề cấp Bộ Xây dựng và cấp Quốc gia; các thí sinh do nhà trường huấn luyện thi đều đạt kết quả cao nhất. Thí sinh Nhà trường đạt 03 Chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc Thế giới (năm 2013 và 2015); 05 Huy chương Vàng, 02 Huy chương Bạc và 01 Huy chương Đồng tại Kỳ thi Tay nghề ASEAN lần thứ IX, X và XI (2012, 2014, 2016); cùng với nhiều huy chương vàng, bạc, đồng trong các Kỳ thi tay nghề cấp Bộ Xây dựng, cấp Quốc gia;

+ Xây dựng, hoàn thiện và mở mới 05 chuyên ngành đào tạo trong lĩnh vực kỹ thuật hạ tầng, môi trường và điện;

+ Ký kết và triển khai dự án hợp tác Việt - Đức giai đoạn 2012-2015 với Hiệp hội hỗ trợ nghề nghiệp xây dựng bang Sắc-xông (BFW - CHLB Đức) về Xây dựng mô hình nhà ở thân thiện với môi trường (Nhà mẫu) với tổng kinh phí trên 550.000,-Euro (khoảng 15 tỷ đồng); Nhà mẫu đã được khánh thành ngày 20/4/2016 với sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Xây dựng, Tổng cục Dạy nghề và nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước;

+ Khởi công xây dựng Nhà học đa năng vào năm 2015 với tổng mức đầu tư gần 60 tỉ đồng (dự kiến khánh thành cuối năm 2017);

+ Ký kết và triển khai Dự án “Hỗ trợ dạy nghề tại Hà Nội cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn” với tổ chức International Plan (Hàn Quốc) tại Việt Nam, kéo dài 3 năm (2015-2018) với tổng kinh phí trên 520.000,-Euro (khoảng 14 tỷ đồng); một xưởng thực hành nghề Kỹ thuật lắp đặt ống công nghệ với nhiều máy móc, thiết bị hiện đại đã được tài trợ và lắp đặt; 100 học sinh của năm đầu tiên dự án đã được tuyển sinh và học tập trong điều kiện tốt;

+ Dự án “Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo ứng dụng chuyển giao công nghệ xây dựng xanh Việt Nam” có tổng vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng đã được Bộ Xây dựng phê duyệt chủ trương cuối năm 2015 và đang xúc tiến triển khai những công việc đầu tiên của giai đoạn 3 năm thực hiện (2016-2018);

+ Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật thành lập Trung tâm đào tạo và phát triển thoát nước Việt Nam” giữa JICA – Bộ Xây dựng – Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị với thời gian 3 năm (2016-2018) đã được triển khai và bắt đầu thực hiện các khóa đào tạo cán bộ quản lý kỹ thuật đầu tiên;

+ Dự án “Tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học ngành Nước và Môi trường – Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị” được Bộ Xây dựng phê duyệt tháng 01/2016 và thực hiện trong 3 năm (2016-2018); những mô hình thiết bị đầu tiên đã được nghiên cứu, triển khai;

+ Hoạt động nghiên cứu khoa học tiếp tục được thúc đẩy với tính ứng dụng thực tiễn cao, phục vụ trực tiếp cho các hoạt động dạy và học của nhà trường. Giai đoạn này, tính đến nay nhà trường đã thực hiện 09 đề tài cấp Bộ và 60 đề tài cấp Trường;

    Suốt chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của các thế hệ lãnh đạo Bộ Xây dựng qua các thời kỳ, các bộ ngành có liên quan, các cấp chính quyền và nhân đân địa phương tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế; các trường bạn, các doanh nghiệp trong và ngoài ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế; đặc biệt là sự đoàn thống nhất và nỗ lực hết mình của các đồng chí lãnh đạo, giảng viên, giáo viên, người lao động và tất cả các em học sinh, sinh viên nhà trường qua các thời kỳ đã tạo nên vị thế và bản sắc của một ngôi trường giàu truyền thống, là điểm đến của những ai quan tâm đến lĩnh vực đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật đô thị và xây dựng thân thiện với môi trường vì sự phát triển bền vững chung của ngành Xây dựng và đất nước.

 

   

 

Ngày đăng: 22/10/2016
TRƯỜNG CAO ĐẲNG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH ĐÔ THỊ - CDT0128
Địa chỉ: Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội
Điện thoại: Phòng Tổ chức - Hành chính (024).3652.0944 ; Phòng Đào tạo (024).3.8780401
Tư vấn tuyển sinh: (024).3.877.0034
Fax: (024).3.827.1305
Copyright 2016 © cuwc.edu.vn
Lên đầu trang
Xuống cuối trang