I. Chuyển đổi số là xu thế
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, đó là cơ hội bứt phá cho Việt nam nói chung và các đơn vị sự nghiệp nói riêng vượt lên trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chuyển đổi số tạo nên đột phá to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; phương thức sống, làm việc của người dân và toàn xã hội dựa trên công nghệ số. Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.
Chuyển đổi số không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có.
Chuyển đổi số là quá trình khách quan, muốn hay không thì chuyển đổi số vẫn xảy ra và đang diễn ra. Cuộc sống không ngừng vận động, biến đổi, mỗi người cũng cần không ngừng thay đổi, thích nghi, nếu không sẽ bị bỏ lại ở phía sau. Do đó, có thể chuyển đổi số ngay lập tức bằng cách chuyển đổi về tư duy, nhận thức, sau đó dần chuyển đổi cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.
Chuyển đổi số là một quá trình đa dạng, không có con đường và hình thành mẫu chung cho tất cả và do vậy từng tổ chức, từng cá nhân cần xác định lộ trình riêng. Thích hợp với mình.
1. Chính quyền số.
Là chính quyền có toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn.
Ví dụ: Cơ quan nhà nước sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất dai, Thuế để người dân có thể làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất trực tuyến.
2. Xã hội số
Xã hội số là xã hội có công dân số tham gia vào quá trình y tế số, giáo dục số, giao tiếp xã hội trên môi trường số.
- Công dân số: là công dân có khả năng truy cập các nguồn thông tin, khả năng giao tiếp trong môi trường số, kỹ năng số cơ bản, mua bán hàng hoá trên mạng, chuẩn mực đạo đức trong môi trường số, bảo vệ thể chất và tâm lý trước các ảnh hưởng từ môi trường số, quyền và trách nhiệm trong môi trường số, định danh và xác thực, dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư trong môi trường số
Ví dụ: Công nghệ số có thiết bị di động hình thành thói quen về giao tiếp trên môi trường mạng, mua bán trực tuyến, học trực tuyến về Chuyển đổi số chính quyền số, xã hội số, kinh tế số.
- Y tế số: Khám chữa bệnh từ xa, phân tích, giải mã bản đồ gene để từ đó cung cấp thuốc men và dịch vụ y tế được các thể hoá cho mỗi người dân.
- Giáo dục số: nghe giảng bài trực tuyến, trao đổi bài trực tuyến…
3. Kinh tế số:
Kinh tế số là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chuyển dịch từ lắp ráp, gia công về công nghệ thông tin sang làm sản phẩm công nghệ số, công nghiệp 4.0, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh, tạo ra sản phẩm “Make in Việt Nam”.
Kinh tế số gồm ngành công nghiệp công nghệ số, ngành công nghiệp viễn thông ngành bán hàng hoá dựa trên các nền tảng công nghệ số mà ta vẫn gọi là thương mại điện tử, ngành bán dịch vụ dựa trên các nền tảng công nghệ số mà ta vẫn gọi là kinh doanh số như dịch vụ đặt phương tiện giao thông, dịch vụ đặt nhà hàng, khách sạn…
II. Chuyển đổi số trong Giáo dục Nghề nghiệp
Sự bùng nổ của công nghệ đang tạo ra nhiều phương thức giáo dục mới, thông minh hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm nhiều chi phí hơn. Đến nay, xu hướng chuyển đổi số trong giáo dục đã tác động sâu sắc đến con người.
1. Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp
Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, nghĩa là việc áp dụng công nghệ, dựa vào mục đích, cơ cấu của cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hiện tại, được ứng dụng dưới 3 hình thức chính:
- Ứng dụng công nghệ trong phương pháp giảng dạy: Lớp học thông minh, lập trình, mô hình thực tế ảo …vào việc giảng dạy.
- Ứng dụng công nghệ trong quản lý: Quản lý nhân sự, quản lý cơ sở vật chất thiết bị…
- Ứng dụng công nghệ trong lớp học: Công cụ hỗ trợ giảng dạy: Smart Tivi, Internet, điện thoại thông minh…
1.1. Ứng dụng chuyển đổi số trong phương pháp giảng dạy
Xu hướng công nghệ số không gian giảng dạy, học tập cần được nhân rộng, các thiết bị thông minh được lắp đặt tại các lớp học như: đầu ghi hình, bàn học thông minh, bảng điện tử thông minh, mô hình thực tế ảo, thiết bị họp trực tuyến,…đã được đưa vào sử dụng.
Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng tạo điều kiện để HSSV tham gia trải nghiệm, tiếp cận công nghệ cao, thậm chí tham gia các chuyến tham quan thực tế ảo.
Những ứng dụng chuyển đổi số giáo dục trong phương pháp dạy học:
- Khóa học trực tuyến E – learning
- Phương pháp học bằng ứng dụng thực tế ảo
- Các lớp học về Lập trình, STEM, STEAM, Tiếng anh công nghệ
1.2. Ứng dụng công nghệ trong quản lý
Hiện nay, phần mềm quản lý trường học đã được nhiều đơn vị công lập áp dụng. Những cơ sở giáo dục nghề nghiệp có sử dụng các phần mềm để quản lý, dần dần được số hóa bằng những phần mềm quản lý tài sản, phần mềm quản lý trường học chuyên biệt…
Ứng dụng công nghệ này, giúp người học dễ dàng trong tra cứu thông tin khi đến thư viện, hay nhà giáo, quản lý có thể quản lý được bảng điểm học sinh, thời khóa biểu, hay các thông tin khác. Đồng thời giúp cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp quản lý học sinh đến trường, quản lý phương tiện của HSSV, giám sát quá trình làm việc của cán bộ viên chức và người lao động.
1.3. Sử dụng công nghệ để vận hành, quản lý giáo dục
Giáo dục nghề nghiệp đang tích cực thúc đẩy sự tái phát triển công nghệ, quy trình làm việc theo hướng online, đẩy mạnh việc ứng dụng BigData, IoT…tăng cường sự kết nối giữa các phòng ban.
Mọi hoạt động vận hành như một doanh nghiệp, có các bộ phận hỗ trợ như: Hành chính nhân sự, kế toán tài chính….
Thậm chí, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp lớn có sử dụng phần mềm để làm việc như: phần mềm kế toán, phần mềm quản lý nhân sự để tính lương,…Tuy nhiên hệ thống các công cụ đang khá rời rạc, chưa tối ưu hóa được cơ sở dữ liệu.
2. Lợi ích của chuyển đổi số đối với giáo dục nghệ nghiệp
Trong những năm gần đây, Nhà trường đã tích cực áp dụng Công nghệ thông tin vào trong hoạt động giảng dạy. Nhà trường đã triển khai mô hình giảng dạy học trực tuyến online, để người học có thể học mọi nơi, mọi lúc, chủ động trong việc học tập hiệu quả hơn.
Trong thời gian đại dịch covid-19 xảy ra trên toàn thế giới, để đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên cũng như thực hiện giãn cách xã hội. Thì nhà trường đã cho học sinh, sinh viên nghỉ học cách ly tại nhà. Và để đảm bảo kiến thức đã áp dụng việc học online trực tuyến vào trong giảng dạy. Ban đầu, việc áp dụng học online lại gặp rất nhiều khó khăn về công nghệ, kiểm soát, đánh giá năng lực người học…
- Chủ động trong việc học tập
Công nghệ số đã mở ra không gian học tập thoải mái qua mạng Internet, bạn có thể học mọi lúc, mọi nơi. Người học có thể tiếp thu kiến thức dễ dàng, thuận tiện hơn. Mang tới không gian học tập lý tưởng, phù hợp với mọi đối tượng. HSSV có thể học ở nhà, ở trường,… hay bất kỳ đâu bạn cảm thấy thoải mái nhất, tiếp thu kiến thức tốt nhất. Với một tinh thần thoải mái, hiển nhiên kết quả học tập sẽ được cải thiện, nâng cao hơn. Nó giúp loại bỏ những giới hạn về khoảng cách, tối ưu thời gian học, nâng cao tư duy cho người học. Chính điều này, đã mở ra cho giáo dục nghề nghiệp một hướng phát triển hoàn toàn mới.
- Không giới hạn trong truy cập tài liệu học tập
Truy cập tài liệu học tập không giới hạn. Bởi với kho tài liệu khổng lồ, không giới hạn, nhà giáo, HSSV có thể truy cập một cách dễ dàng, đồng thời tiết kiệm được khá nhiều chi phí. Hơn nữa, chuyển đổi số giúp bạn tìm kiếm, khai thác học liệu nhanh chóng bằng các thiết bị trực tuyến, không bị giới hạn bởi khả năng tài chính của người dùng. Vậy nên, việc sử dụng công nghệ giúp chia sẻ tài liệu, giáo trình giữa nhà giáo và HSSV sẽ dễ dàng và tiết kiệm hơn, giảm thiểu được chi phí in ấn...
- Chất lượng giáo dục được nâng cao
Chuyển đổi số trong giáo dục đã tạo nên kỷ nguyên mới, khi mà người dạy và người học được trao quyền để áp dụng công nghệ. Các thành tựu như:
+ Bigdata giúp lưu trữ mọi kiến thức lên mạng.
+ IoT giúp theo dõi hoạt động của học sinh, quản lý, giám sát học sinh.
+ Blockchain giúp quản lý thông tin, hồ sơ của học sinh. Cho phép quản lý, chia sẻ dữ liệu từ nhiều trường khác nhau, ghi chép lại lịch sử học, bảng điểm để đảm bảo thông tin được minh bạch.
- Tiết kiệm tối đa chi phí học tập
Khả năng tiết kiệm chi phí là một lợi ích lớn, thiết thực mà chuyển đổi số trong giáo dục đem lại. Khi thấy được giá trị phương pháp mang lại, chắc chắn bạn sẽ thấy hài lòng về kết quả nhận được. Chính vì vậy, việc học tập sẽ trở nên suôn sẻ, không có quá nhiều ảnh hưởng từ xung quanh.
Chuyển đổi số trong ngành giáo còn giúp bạn có nhiều sự lựa chọn. Thay vì đến trường, bạn có thể tham gia khóa học E-Learning với chi phí rẻ hơn. Thậm chí bạn có thể chọn khóa học bạn quan tâm, phù hợp với bản thân. Điều này giúp bạn học tập chất lượng, hiệu quả hơn.
3. Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành giáo dục nghề nghiệp
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ nhà giáo và HSSV
Phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về tư tưởng, quyết tâm thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Phổ biến đến từng giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý. Cùng nhau xây dựng văn hóa số trong giáo dục.
Bồi dưỡng, đào tạo cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên kiến thức, kỹ năng công nghệ để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
- Áp dụng các phương pháp công nghệ
Tăng cường các phương pháp công nghệ: để nâng cao chất lượng, quản lý dữ liệu, thúc đẩy hình thức dạy – học trực tuyến qua mạng.
Hoàn thiện cơ sở mạng đồng bộ thuận tiện trong triển khai các loại hình đào tạo trực tuyến.
Thúc đẩy phát triển học liệu số: Thực hiện ở tất cả ngành học, môn học gắn với việc thẩm định nội dung, chia sẻ học liệu giữa các cơ sở giáo dục.
Triển khai mạng xã hội giáo dục: Triển khai có kiểm soát, định hướng thống nhất, từ đó chia sẻ giữa cơ quan quản lý – nhà trường – gia đình.
Phát triển các khóa học trực tuyến: Nhằm phục vụ công tác bồi dưỡng giáo viên, hỗ trợ dạy học trong những điều kiện khó khăn.
4. Chuyển đổi số tại trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị:
Thực hiện kế hoạch chuyển đổi của Bộ Xây dựng năm 2023, đồng hành với quá trình thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp, Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị đã từng bước hiện thực hóa công tác chuyển đổi số vào trong các hoạt động của nhà trường năm 2023:
- Cập nhật hồ sơ viên chức lên cơ sở dữ liệu CBCCVC của Bộ Xây dựng;
- Xây dựng hệ thống quản lý phương tiện của học sinh sinh viên thông qua thẻ HSSV được tích hợp tài khoản ngân hàng, biển số xe, mã số học sinh sinh viên đưa vào sử dụng cuối tháng 10 năm 2023. Góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài sản của HSSV và thu học phí của người học.
- Xây dựng hệ thống quản lý nhận diện khuôn mặt học sinh sinh viên vào sử dụng cuối tháng 10 năm 2023. Góp phần nâng cao hiệu quả quản lý HSSV học tập tại trường.
- Tiếp tục đầu tư máy tính, các trang thiết bị hỗ trợ dạy học phù hợp với xu hướng chuyển đổi số của nhà trường.
Với quyết tâm thực hiện thành công chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp tại trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị đề nghị mỗi cán bộ, viên chức, người lao động và toàn thể HSSV phải chủ động, tích cự học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ Công nghệ thông tin, đồng thuận và sẵn sàng đồng hành cùng Nhà trường thực hiện thành công chuyển đổi số.
|