HỌC TẬP TẤM GƯƠNG TỰ HỌC VÀ TÁC PHONG LÀM VIỆC TRÁCH NHIỆM, KHOA HỌC, ĐỔI MỚI CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

        Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, vị lãnh tụ thiên tài, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta - là một mẫu mực về tinh thần tự học và làm việc trách nhiệm, hết lòng, hết sức cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Báo Granma (Cuba), cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Cuba viết: “Bác Hồ là tấm gương mà nhiều con người có thể noi theo và làm được như Người”. Ngày nay, trong bối cảnh đất nước đổi mới và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh đã trở thành tấm gương cho nhiều thế hệ đương thời và sáng soi trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. Học tập và làm theo tấm gương làm việc trách nhiệm, khoa học, đổi mới của Bác là nhiệm vụ hết sức quan trọng, không thể thiếu đối với cán bộ đảng viên trong tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến và phụng sự đất nước.

        1. Tấm gương làm việc trách nhiệm

         Trong công việc, mỗi người đều giữ một vị trí, vai trò nhất định ở cơ quan, đơn vị, tổ chức mà mình tham gia và là thành viên; do vậy, phải có trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức đó. Trách nhiệm chính là phần việc được giao, là điều phải làm, phải gánh vác hoặc nhận lấy về mình theo cương vị, chức trách. Nó được hình thành trên cơ sở những quy định của luật pháp, quy định, quy chế, thỏa thuận, điều lệ của tổ chức, đơn vị mà mình là thành viên.

Hình 1- Bác Hồ đang theo dõi một cháu nhỏ đánh vần khi đến thăm lớp vỡ lòng ở phố Hàng Than, Hà Nội, năm 1958. Ảnh TL.

       Bên cạnh trách nhiệm với cơ quan, tổ chức, mỗi người đều là công dân của một quốc gia, dân tộc; do vậy, phải có trách nhiệm, nghĩa vụ đóng góp, xây dựng, phát triển quê hương, đất nước. Đối với người cán bộ, đảng viên, yêu cầu, đòi hỏi về tinh thần trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ còn cao hơn nhiều. Cùng với trách nhiệm, nghĩa vụ với tư cách là công dân, người cán bộ, đảng viên còn phải tiên phong, gương mẫu đi đầu về tinh thần, thái độ, trách nhiệm với công việc, trong rèn luyện và thực hành đạo đức, lối sống, nêu gương, cũng như tuân thủ nghiêm Điều lệ Đảng, quy định về những điều đảng viên không được làm,…

       Chủ tịch Hồ Chí Minh định nghĩa về tinh thần trách nhiệm bằng những từ ngữ rất giản dị, dễ hiểu: “Tinh thần trách nhiệm là: nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ”, là “khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy, v.v., là không có tinh thần trách nhiệm”. Người yêu cầu, nhắc nhở, bất kỳ ai, dù ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm; “đã phụ trách việc gì, thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm”.

       Trên hành trình 30 năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã vượt lên hoàn cảnh, luôn tranh thủ thời gian, khai thác tối đa quỹ thời gian eo hẹp và tạo ra thời gian để kiên trì học tập, trau dồi kiến thức. Theo tác giả Trần Dân Tiên trong sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, khi làm phụ bếp trên tàu Amiral Latouche Trêville: “Mỗi ngày 9 giờ tối công việc mới xong. Anh Ba mệt lử. Nhưng trong khi chúng tôi (những người Việt Nam làm công trên chuyến tàu) ngủ hoặc đánh bài, anh Ba đọc hay viết đến 11 giờ hoặc nửa đêm”. Những ngày làm vườn cho ông chủ tàu ở Saint Adresse “anh học tiếng Pháp với cô sen”. Những ngày sống ở Anh, “hàng ngày buổi sáng sớm và buổi chiều anh Ba ngồi trong vườn hoa Hayden, tay cầm một quyển sách và một cái bút chì. Hàng tuần, vào ngày nghỉ, anh đi học tiếng Anh với một giáo sư người Ý”. Hồ Chí Minh còn tham gia vào Hội Du lịch đưa khách đi thăm nước Pháp và những nước lân cận với giá tiền rất rẻ bởi như Người đã nói với bạn rằng: “Trong những ngày nghỉ, không nên tiêu phí tiền bạc, mất thì giờ ở bãi bể để nhìn những người đàn bà đi tắm, mà nên đi du lịch, học hỏi được nhiều”. Nhờ vậy, Người có dịp đi thăm nhiều nơi ở Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Đức và cả Tòa thánh Vatican… để mở rộng tầm nhìn và cơ hội học hỏi. Khi bắt đầu đi tìm đường cứu nước, trình độ học vấn mà Người được đào tạo ở nhà trường chẳng được là bao. Trong lý lịch tự khai tại Đảng Cộng sản Pháp cũng như tại một số hội nghị, Đại hội của Quốc tế Cộng sản mà Người tham dự, Người thường khiêm tốn ghi ở phần trình độ học vấn là Tự học. Năm 1961, tại Hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế họp tại Việt Nam, Người cũng đã tự kể rằng: “Về văn hóa tôi chỉ học hết lớp tiểu học... Về hiểu biết phổ thông: Năm 17 tuổi, tôi mới thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 29 tuổi mới nghe rađiô lần đầu tiên...”. Có thể khẳng định, cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh chính là cuộc đời tự học bền bỉ, và cả thế giới đã phải thừa nhận và khâm phục về sự thông minh, về tầm hiểu biết rộng lớn của Người.

      Nhận thức sâu sắc trách nhiệm, bổn phận của mình trước dân tộc, nhân dân và trước Đảng, trong suốt quá trình hoạt động cách mạng sôi nổi, đầy cam go, thử thách, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người đã tự mình đi khắp năm châu, bốn biển khảo sát, nghiên cứu, lao động, học tập để tìm đường cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến.

 

      Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, từ thực tiễn đội ngũ cán bộ, đảng viên; đồng thời, dự báo được chiều hướng phát triển của tình hình, Người rất chú ý đến việc giáo dục ý thức, tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong nhiều bài viết gửi các cấp chính quyền, Người yêu cầu xây dựng các cơ quan từ Chính phủ cho đến các làng, xã phải là “công bộc” của dân, Chính phủ phục vụ nhân dân, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân thì phải hết sức tránh; phải đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết, phải chú ý giải quyết các vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân; đồng thời, nghiêm khắc phê phán, lên án những căn bệnh, như cậy thế, tư túng, óc bè phái, kiêu ngạo,… đang ngự trị trong đầu óc của không ít cán bộ, đảng viên lúc bấy giờ.

Hình 2 -  Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường Trung học GT-VT Thủy - Bộ. Ảnh TL

Khát vọng cháy bỏng về một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, nhân dân được ấm no, hạnh phúc đã thôi thúc, trở thành động lực để Chủ tịch Hồ Chí Minh dấn thân, hành động, làm việc một cách tự giác, tự nhiên, không vì danh lợi, thành tích hay sự ca ngợi nào. Được cống hiến, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân đối với Người là nguồn vui, niềm hạnh phúc vô bờ bến. Tinh thần trách nhiệm đó xuất phát từ lòng yêu nước sâu sắc, tâm trong sáng, tình thương yêu con người vô hạn. Trong Di chúc, Người viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

           Trong công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân, của Đảng lên trên hết, gương mẫu trong mọi việc. Phương châm xử lý, giải quyết công việc của Người là “chí công vô tư”, “dĩ công vi thượng”, không để cảm xúc, tình cảm cá nhân xen vào công việc. Muốn thực hiện được được điều này, theo Người, phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, vì chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân của mọi thói hư tật xấu, làm cho con người không giữ được mình, không vì lợi ích chung để giải quyết công việc, kém tinh thần trách nhiệm, chỉ nghĩ đến lợi ích của cá nhân, của gia đình, phe nhóm mình. Chủ nghĩa cá nhân là kẻ địch hung ác của đạo đức cách mạng. Muốn đánh thắng chủ nghĩa đế quốc, muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, trước hết phải chiến đấu và chiến thắng kẻ thù bên trong của mỗi con người là chủ nghĩa cá nhân.

          Tấm gương, tinh thần làm việc trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện ở việc thống nhất giữa lời nói và việc làm. Đó là nói gắn liền với làm, không nói nhiều làm ít, nói mà không làm, làm không như nói. Đây là một đặc điểm nổi bật trong phẩm chất con người Hồ Chí Minh. Quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên nhìn thấy ở Người phẩm chất, phong cách của một lãnh tụ hành động, một tấm gương có sức cảm hóa, thuyết phục đối với tất cả mọi người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm đúng như những gì Người nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” và chính Người đã trở thành một tấm gương sống mẫu mực, sáng ngời về đạo đức, nhân cách, tài năng, kết tinh những giá trị, phẩm chất tốt đẹp nhất, tiêu biểu cho phẩm giá, lương tâm, trí tuệ của con người Việt Nam.

         2. Tấm gương làm việc khoa học, đổi mới

        Cùng với việc nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân và đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn làm việc hết sức khoa học, luôn tìm tòi, đổi mới để đạt hiệu quả và chất lượng cao nhất. Điều này được thể hiện ở những điểm sau:

        - Làm việc gì cũng luôn đi sâu đi sát, nghiên cứu, điều tra, khảo sát kỹ lưỡng

        Trước khi đưa ra bất kỳ một quyết định, giải pháp nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều dựa trên cơ sở khoa học, thực tiễn chắc chắn, có độ tin cậy cao. Người không quyết định theo cảm tính, chủ quan, mà nghe nhiều bên, có phân tích, xem xét, đánh giá một cách khách quan rồi mới đưa ra quyết định cuối cùng. Người nói: “So đi sánh lại, phân tích rõ ràng là cách làm việc có khoa học”. Phong cách làm việc khoa học đòi hỏi “gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi: Vì sao có vấn đề này? Xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao? Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao làm vậy”. Cách làm khoa học này là cơ sở cho việc lãnh đạo đúng, trúng, sát hợp thực tế, tình hình.

Hình  3 - Bác Hồ về thăm và nói chuyện với giáo viên, học sinh các trường học sinh miền Nam tại Hải Phòng. Ảnh TL

Trước những vấn đề mới, khó, phức tạp, bên cạnh việc tham vấn bộ máy, đội ngũ trợ lý, giúp việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn trực tiếp đi nghiên cứu, khảo sát, tiếp xúc với cơ sở, địa phương để tìm hiểu thực tế, nắm bắt tình hình, thu thập thông tin cụ thể. Người chỉ rõ, muốn lãnh đạo đúng, trước hết phải quyết định mọi vấn đề cho đúng. Muốn quyết định cho đúng, trước tiên phải điều tra, nghiên cứu rõ ràng. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên khi xử lý và giải quyết công việc cần phải tôn trọng hiện thực khách quan, không “tô hồng”, bóp méo sự thật, phải có tầm nhìn xa rộng, tránh rơi vào những việc sự vụ, thiển cận. Theo Người, khi ra quyết định công tác, xác định cách tổ chức, cách làm việc thì phải luôn căn cứ vào tình hình thực tế, xem xét mọi mặt. Người phê phán gay gắt những cán bộ mắc bệnh quan liêu, hình thức, ngồi bàn giấy chỉ nghe người ta báo cáo rồi ra quyết định, mà không nắm rõ tình hình thực tế,…

- Làm việc có chương trình, kế hoạch

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc theo chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, chi tiết hằng năm, quý, tháng, tuần, từ dài hạn, trung hạn, đến ngắn hạn. Theo Người, chương trình, kế hoạch làm việc cần khoa học, cụ thể, chi tiết, không nên tham lam, thiết thực, vừa sức, “chớ làm kế hoạch đẹp mặt, to tát, kể hàng triệu nhưng không thực hiện được”.

Người yêu cầu, cần đặt kế hoạch cho sát hợp. Kế hoạch đặt ra để mình và mọi người thực hiện chứ không phải để chiêm ngưỡng, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”. Người chỉ ra khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, nhất là của người lãnh đạo là: “Chương trình công tác thì quá rộng rãi mà kém thiết thực. Đặt ra kế hoạch và chương trình không xét rõ năng lực của những người thi hành kế hoạch và chương trình đó. Thành thử việc gì cũng muốn làm mà việc gì làm cũng không triệt để”. Cùng với đó, cán bộ, đảng viên thường mắc phải khuyết điểm là đầu tư nhiều công sức vào việc vạch ra chương trình, kế hoạch, nhưng lại ít tìm cách để thực hiện cho được kế hoạch, chương trình đã đề ra. Hơn nữa, chương trình, kế hoạch này thực hiện chưa xong, chưa biết kết quả thực hiện ra sao đã nghĩ đến chương trình, kế hoạch khác; hoặc xây dựng chương trình, kế hoạch làm việc, nhưng cách sắp đặt công việc không khéo, ôm đồm làm nhiều việc cùng một lúc, hoặc làm không đúng, lại thiếu những biện pháp thích hợp, thiếu quyết tâm, nên chương trình, kế hoạch đặt ra đều không thực hiện được. Do vậy, Người nhắc nhở: “Kế hoạch một phần, biện pháp phải hai phần, và quyết tâm phải ba phần, có như thế mới có thể hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch”.

- Làm việc gắn với kiểm tra, tổng kết, rút kinh nghiệm

Thực hiện quan điểm của V.I.Lê-nin: Lãnh đạo không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý đến công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và của Nhà nước. Mục đích của kiểm tra là để xem các cấp thực hiện có đúng đường lối, chính sách không, để nắm được chất lượng, tiến độ công việc, tuân thủ quy trình, các bước tiến hành triển khai công việc,… Người chỉ ra một thực trạng: “Hiện nay, nhiều nơi cán bộ lãnh đạo chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị, sau đó, thì họ không biết gì đến những nghị quyết đó đã thực hành đến đâu, có những sự khó khăn trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không. Họ quên mất kiểm tra. Đó là một sai lầm rất to. Vì thế mà “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị” mà công việc vẫn không chạy”.

Hình 4 - Bác Hồ đến thăm hội nghị phổ biến máy cấy công cụ cải tiến ở Từ Liêm, Hà Nội, tháng 7/1960. Ảnh TL

       Chủ tịch Hồ Chí Minh còn rất quan tâm đến việc tổng kết, rút kinh nghiệm. Theo Người, mỗi khi làm xong một việc gì, dù thành công hay thất bại, đều cần tổng kết thực tiễn để rút kinh nghiệm những việc làm được, hoặc còn chưa làm được, phát hiện những khó khăn, vướng mắc làm cơ sở cho việc bổ sung, phát triển lý luận, đề ra chủ trương, biện pháp một cách sát hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn. Trong thực tế quá trình lãnh đạo, Người thường xuyên kiểm tra, kiểm soát từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên để có cái nhìn đúng đắn, khách quan về hoạt động của cán bộ, đảng viên, cũng như của các cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

      - Làm việc phải cụ thể, kịp thời, thiết thực, có trọng điểm và nắm điển hình

      Người yêu cầu người cán bộ phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ; phải lãnh đạo toàn diện và cụ thể, phải cẩn thận mà nhanh nhẹn, kịp thời, làm đến nơi đến chốn. Hồ Chí Minh phê phán căn bệnh “hữu danh vô thực” ở không ít cán bộ, đảng viên: “Làm việc không thiết thực, không từ chỗ gốc, chỗ chính, không từ dưới làm lên. Làm cho có chuyện, làm lấy rồi. Làm được ít, suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ lại thì rỗng tuếch… Thế là không làm tròn nhiệm vụ của mình. Thế là dối trá với Đảng, có tội với Đảng. Làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà, cũng là một bệnh rất nguy hiểm”.

       - Luôn đổi mới, sáng tạo trong công việc

      Người luôn suy nghĩ, tìm tòi, đổi mới trong công việc, không cứng nhắc, bảo thủ, đóng khung, cố chấp, mà rất linh hoạt, mềm dẻo khi xử lý, giải quyết từng vấn đề, sự việc cụ thể. Một ví dụ để minh chứng cho nhận định trên: Khi dự thảo công văn cho Bác, anh em giúp việc thường dựa vào các văn bản cũ đã được Người duyệt để làm theo. Không ngờ, có lần Người lại sửa khác đi. Anh em giúp việc có ý thanh minh: Thưa Bác, cháu thấy trong văn bản trước Bác đã thông qua một câu như vậy rồi ạ. Người nói, lần trước Bác chưa nghĩ ra, lần này Bác thấy phải sửa tiếp cho tốt hơn. Có thể thấy, phong cách làm việc của Người là luôn đổi mới, sáng tạo, không cứng nhắc, không chấp nhận tư duy lối mòn, kinh nghiệm chủ quan, mà hướng tới sự mới mẻ, hiệu quả để ngày càng đạt kết quả tốt hơn.

       3. Học tập tấm gương làm việc trách nhiệm, khoa học, đổi mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh

      Một là, mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm với công việc. Học và làm theo Bác không phải là bằng những điều cao siêu, to lớn, mà cần bắt đầu từ những lời nói, việc làm, bằng thái độ, cách ứng xử trong xử lý và giải quyết công việc hằng ngày. Đó là sự tự ý thức về trách nhiệm của mình trong công việc chung, là việc cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ ở cương vị công tác. Mỗi người cần thấm nhuần, khắc sâu lời Bác dạy: Cán bộ, đảng viên “là người đày tớ trung thành và tận tụy của nhân dân”; “phục vụ nhân dân là phục tùng chân lý”; “làm công bộc cho dân là một việc làm cao thượng”.

Hình 5- Hồ Chủ tịch trong phòng làm việc của Người ở căn cứ Việt Bắc. Ảnh TL

       Học tập ý thức, tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân của Bác cần xuất phát từ tinh thần tự giác, sự thôi thúc của con tim, từ danh dự và lương tâm của chính bản thân mỗi người. Làm việc với một niềm hăng say, phấn khởi, tin tưởng, hạnh phúc, với mong muốn được cống hiến, đóng góp một phần nhỏ bé vào sự phát triển của cơ quan, đơn vị, tổ chức mà mình là thành viên, rộng hơn là của xã hội, đất nước, chứ không phải vì danh lợi, chạy theo thành tích. Cần nhận thức rõ rằng, trở thành một cán bộ, công chức, một đảng viên là niềm vinh dự, tự hào, nhưng cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ to lớn. Vinh dự, trách nhiệm đó đòi hỏi mỗi người cần cố gắng, phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, năng lực chuyên môn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được tổ chức phân công, giao phó. 

       Học tập tinh thần trách nhiệm của Bác còn là việc phải luôn đau đáu, trăn trở với những tâm tư, suy nghĩ, mong mỏi của người dân và xã hội, muốn đóng góp sức lực nhỏ bé của mình vào việc xây dựng một xã hội tiến bộ, tốt đẹp hơn; nói đi đôi với làm, lý luận liên hệ với thực tiễn; biết thông cảm, thấu cảm, biết đau trước những khó khăn, mất mát của người dân; biết vui mừng, sẻ chia trước hạnh phúc, niềm vui của nhân dân. Thấu hiểu và cảm thông với nhân dân, xuất phát từ lợi ích của nhân dân sẽ giúp mỗi cán bộ, đảng viên luôn tìm tòi, suy nghĩ để giải quyết công việc vừa ích nước, vừa lợi dân.

      Hai là, trong xử lý và giải quyết công việc cần khắc ghi sâu sắc nguyên tắc lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, của Đảng là tối thượng, bất khả xâm phạm, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Người cán bộ, đảng viên trước bất cứ công việc gì, dù ở cương vị, hoàn cảnh nào cũng phải luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, của Đảng lên trước. Lợi ích của cá nhân, của bộ phận, của giai cấp phải phục tùng và không được làm tổn hại đến lợi ích dân tộc; đồng thời, linh hoạt, mềm dẻo, “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong thực hiện nguyên tắc này. Vì vậy, trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết một cách đúng đắn, sáng tạo yêu cầu, đòi hỏi, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam; đoàn kết, tập hợp được sức mạnh của cả dân tộc làm nên thắng lợi vĩ đại trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.

      Để luôn đứng vững trên lập trường dân tộc, lấy quyền lợi của Tổ quốc và nhân dân làm tối thượng, cần chống chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, tư tưởng cục bộ, óc bè phái, kéo bè kéo cánh, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ ra. Chủ nghĩa cá nhân “là một thứ vi trùng rất độc, một thứ rất gian giảo, xảo quyệt”. Do chủ nghĩa cá nhân mà ngại khó khăn, gian khổ, tham danh, trục lợi, thích địa vị, quyền hành, xa rời quần chúng, mất đoàn kết, kém tinh thần trách nhiệm,… Nó là nguyên nhân của mọi thói hư tật xấu, của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Do vậy, phải “kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân” - kẻ thù bên trong của mỗi chúng ta.

       Ba là, học tập và làm theo Bác, mỗi cán bộ, đảng viên cần không ngừng rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, chuyên môn, nghiệp vụ. Trong một xã hội vận động và biến đổi nhanh chóng, đất nước hội nhập sâu rộng với thế giới đã và đang đặt ra yêu cầu, đòi hỏi rất cao về năng lực, chuyên môn, phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh chính trị đối với mỗi người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Do vậy, để tránh tụt hậu, đáp ứng được yêu cầu của công việc, tiến tới có đủ năng lực làm việc được trong môi trường quốc tế, không có cách nào khác, mỗi người cần có tinh thần cầu thị, không ngừng cố gắng, nỗ lực học tập, rèn luyện để tự hoàn thiện bản thân, ngày càng tiến bộ.

           Mỗi cán bộ, đảng viên phải coi việc tự học tập, rèn luyện là nhiệm vụ tự thân, là chế độ, quy định bắt buộc. Học tập là con đường duy nhất để tiến bộ và phát triển. Học tập phải được coi là nghĩa vụ, là khát vọng, niềm say mê, nguồn vui để làm việc và làm người cán bộ, đảng viên tốt. Không học tập và rèn luyện sẽ bị tụt hậu, đào thải, không đáp ứng được yêu cầu về phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn. Do vậy, cần xác định học tập là công việc suốt đời, “còn sống là còn phải học”. Có nhiều cách học: học ở trường lớp, học đồng nghiệp, học trong sách vở, tự học.

          4. Sử dụng hiệu quả thời gian để học tập và làm việc

          Học Bác, chúng ta học tập cách quý trọng thời gian, sử dụng hiệu quả thời gian để học tập và làm việc, bởi theo Người: “Của cải nếu hết, còn có thể làm thêm. Khi thời giờ đã qua rồi, không bao giờ kéo nó trở lại được”. Đó là kinh nghiệm Bác đúc rút ra từ quá trình tự học, làm việc và trong cả cuộc đời làm cách mạng của Người.

Hình 6 - Bác Hồ thăm hỏi nhân dân xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc (12/2/1956). Ảnh TL

      Trở thành Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh vẫn tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để học. Năm 1961, nói chuyện với các cán bộ đảng viên ở Nghệ An hoạt động lâu năm, Người tâm sự: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học. Việc lớn, việc nhỏ, tôi phải tham gia. Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”. Với các đảng viên mới, Người cũng căn dặn: “Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”.

       Các đồng chí phục vụ Bác sinh thời kể lại rằng, ngày nào Bác cũng dành thời gian để bổ sung và nâng cao tri thức cho mình bằng đọc sách, báo, nghe tin tức thời sự và rút kinh nghiệm từ những công việc thực tiễn hàng ngày. Người thường xem báo ngay đầu giờ buổi sáng và thường xuyên nhắc cán bộ, nhất là cán bộ phụ trách, cần phải sắp xếp thời gian đọc báo hằng ngày để nắm bắt thông tin phục vụ cho công việc. Ngoài báo chí trong nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đọc báo nước ngoài gửi đến bằng con đường ngoại giao. Vừa đọc, Người vừa ghi chép hết sức cẩn thận, tỉ mỉ từ những vấn đề của các địa phương trong nước cho đến những biến động trên thế giới, từ những cuộc đấu tranh biểu tình cho đến những vấn đề về tài chính tiền tệ v.v... Rất cụ thể và thiết thực, đây chính là một trong những hình thức tự học tập để bổ sung tri thức hiệu quả và cần thiết. Trên cơ sở đó, giúp Người đưa ra chỉ đạo phù hợp với từng lĩnh vực và những chính sách đối nội, đối ngoại sát với thực tiễn.

       Như lời Bác đã dạy: “Muốn tiết kiệm có kết quả tốt, thì phải khéo tổ chức”, hằng tuần, hằng ngày, có khi cả hằng giờ nữa, Bác đều có chương trình làm việc rõ ràng, khoa học, cụ thể. Một ngày làm việc của Bác bắt đầu từ rất sớm: “Khi Đài Tiếng nói Việt Nam mở nhạc hiệu thì Bác cũng bật đèn phòng ngủ. Bác làm suốt cả ngày, nhiều hôm đến tận đêm khuya”. Trong một ngày Bác giải quyết rất nhiều công việc, từ tiếp cán bộ, tiếp khách ngoại giao, đi thăm cơ sở, họp Bộ Chính trị, nghiên cứu tài liệu, viết báo, viết thư v.v… Trong khi bộ máy giúp việc cho Bác tại Văn phòng ở Phủ Chủ tịch cũng rất ít. Ngoài bốn cán bộ làm công tác văn phòng (kể cả đồng chí Vũ Kỳ là thư ký riêng của Bác), còn có một số đồng chí nấu ăn, cần vụ, lái xe, làm vườn, có tất cả hơn mư­ời người. Nhưng sự phân bổ thời gian hợp lý khoa học và phong cách làm việc thiết thực cụ thể đã giúp Bác tiết kiệm nhiều thời gian và giải quyết hiệu quả một khối lượng công việc đồ sộ, phức tạp trên cương vị một người lãnh đạo đất nước. Khi cần nắm rõ công việc của ngành nào, địa phương nào, Bác cho gọi đồng chí Trung ương, Bộ trưởng phụ trách ngành đó, địa phương đó, nếu cần thì đem theo cả chuyên viên đặc trách đến báo cáo với Bác. Người thường bố trí thời gian tiếp cán bộ đến làm việc hoặc tiếp khách vào đầu các buổi sáng sớm để sau đó dành nhiều thời gian cho công việc. Công việc xong mà chưa đến giờ ngủ, Bác lại đọc sách, báo. Chủ nhật, ngày lễ cũng có chương trình. Vì vậy, không mấy khi Bác có thời gian rảnh. Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người có nhiều thời gian sống gần Bác trong những năm Người sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch đã nhận định: “Theo tôi biết… thật sự Bác không có ngày nghỉ và ngày nào cũng như ngày nào, bao giờ cũng có chương trình làm việc với những giờ giấc rất nghiêm ngặt, mà Hồ Chí Minh là người gương mẫu trong việc tuân thủ kỷ luật đó”.

      5. Có quyết tâm thì việc gì làm cũng được

 

       Năm 1945, mở đầu bài nói chuyện tại buổi lễ tốt nghiệp khóa 5 trường Huấn luyện cán bộ Việt Nam, Bác đã thẳng thắn góp ý: “Trong giấy mời tới đây nói 8 giờ bắt đầu, bây giờ 8 giờ 10 phút rồi mà nhiều người chưa đến. Cách tôi làm việc đúng giờ. Tôi khuyên anh em làm việc phải cho đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm”. Một câu chuyện nhỏ về thời gian, về kỷ luật nhưng Bác lại dạy chúng ta biết bao điều. Bác quý trọng thời gian của mình bao nhiêu, thì cũng quý thời gian của người khác bấy nhiêu. Vì thế, Bác không để bất cứ ai phải đợi mình bao giờ. Bác đã hẹn là đến, Bác đã hứa là làm, hẹn đồng chí nào giờ nào đến gặp, đến đúng giờ ấy là thấy Bác đã chờ sẵn. Thu Đông năm 1952, Bác đến với Hội nghị chuẩn bị chiến dịch Tây Bắc. Nhiều đồng chí cán bộ dự chiến dịch Tây Bắc năm đó vẫn còn nhớ, Bác đã đến hội nghị với một hình ảnh không ai có thể quên được. Mấy hôm ấy trời mưa to, nước lũ từ các đầu nguồn tràn về cắt đứt cả đường sá nhưng Bác đã vượt suối lũ, tới hội nghị. Bà con địa phương đi đến đấy gặp lũ phải đứng lại, thấy thế cũng hăng hái theo Bác và đều lội qua được. Tất cả các đồng chí dự hội nghị đều biết rằng mùa mưa vượt suối nước lũ không phải là việc dễ, cho nên khi thấy Bác đã tới hội nghị rất đúng giờ, chẳng những cảm động trước sự săn sóc chu đáo của Bác với quân đội, mà còn là một bài học cần ngay cho họ trước khi ra trận. Bài học ấy, như Bác thường nói, là: “Quyết tâm, có quyết tâm thì việc gì làm cũng được.

Hình 7- Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Xưởng may 10, Người góp ý kiến về cách cắt may sao cho nhanh, tiết kiệm, bảo đảm chất lượng (năm 1959) Ảnh: TL

      Quý trọng thời gian, Bác không muốn anh em giúp việc, cán bộ ngồi chơi không và luôn căn dặn anh em phải “học ở trường, ở sách vở, học lẫn nhau và học ở nhân dân”, học trong việc làm hàng ngày, trong việc lớn cũng như việc nhỏ. Đồng chí Hoàng Hữu Kháng, người trực tiếp bảo vệ Bác từ năm 1946 đến năm 1951 kể lại: Có những lần hết giờ gác, chúng tôi nằm tán chuyện với nhau. Lúc giải lao Bác đi thăm anh em. Một hôm, Bác gặp chúng tôi đang nằm chơi, Bác nói: “Các chú không có việc gì làm à? Nếu không có việc thì mang chiếc giư­ờng dỡ ra rồi lắp lại, nếu còn thì giờ nữa thì ra ngoài kia vật nhau hay tăng gia”. Ý Bác muốn nói là phải tìm việc mà làm, không nên ngồi tán gẫu.... Đồng chí lái xe ít xem sách báo. Những buổi anh rỗi việc, Bác gọi lên, bảo ngồi ở buồng bên, rồi đưa sách báo cho đọc. Thỉnh thoảng, Bác qua kiểm tra. Có lần Bác vào, thấy tờ báo mở trên bàn, đồng chí lái xe tựa lưng vào ghế ngủ. Bác nhẹ nhàng đi ra. Lúc khác, Bác nói: "Mới đọc chưa hiểu, dễ buồn ngủ. Đọc ít lâu, hiểu rồi sẽ ham. Ham rồi sẽ không buồn ngủ nữa". Cũng với ý đó, Bác đã từng nói với những cán bộ phục vụ thật thấm thía: “Cái gì cũng quen đi thôi các chú ạ. Chăm cũng quen đi, mà lười cũng quen đi, quen nhanh thôi chứ không lâu đâu. Thế nào là khó khăn? Khó khăn là cái chưa quen. Rèn luyện cho quen đi thì khó cũng không còn khó nữa. Kiên trì rèn luyện, sẽ đến một lúc làm cỏi khó thấy rằng không khó”.

       6. Vận dụng những chuẩn mực vào phong cách làm việc

 

       Từ thực tiễn cuộc sống và hoạt động cách mạng, đặc biệt là những năm Người sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những chuẩn mực về phong cách sống, phong cách làm việc. Đây là những bài học thực tiễn sâu sắc đối với mọi tầng lớp nhân dân, nhất là cán bộ đảng viên trong giai đoạn cách mạng hiện nay, khi đất nước đang đẩy mạnh mở cửa hội nhập với thế giới, đòi hỏi mỗi người dân Việt Nam phải có một phong cách làm việc khoa học, hiện đại và hiệu quả để góp phần đưa đất nước phát triển.

Hình 8 -Chủ tịch HồChí Minh nói chuyện với các trí thức năm 1964. Ảnh TL

Thực trạng hiện nay cho thấy, việc quản lý lao động trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhà nước nói chung và trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến lãng phí thời gian lao động, làm cho năng suất, chất lượng hiệu quả công tác chưa cao. Một bộ phận cán bộ, viên chức, người lao động chưa đề cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; ý thức kỷ luật lao động kém; vi phạm các quy định của pháp luật về sử dụng thời giờ làm việc, ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng công tác và tác phong, uy tín của cán bộ, viên chức.

Hình 9 - Bác Hồ giản dị thăm hỏi bà con nông dân thu hoạch lúa mùa. Ảnh: TL

       Để thực hiện mục tiêu hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới, phấn đấu đưa nước ta phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại, phấn đấu Xây dựng Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và là ngôi trường hạnh phúc, mỗi cá nhân, mỗi tập thể cần phải học tập và làm theo tấm gương của Bác, đặc biệt là thực hiện lời dạy của Bác về tiết kiệm và sử dụng hiệu quả thời gian. Các đơn vị thuộc trường cần chủ động tăng cường áp dụng các biện pháp tổ chức lao động một cách khoa học, sử dụng hợp lý thời giờ làm việc của cán bộ, viên chức nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ của đơn vị. Mỗi cá nhân cần sử dụng hiệu quả thời gian bằng cách sắp xếp kế hoạch cụ thể, chi tiết; cần tích cực thi đua trong lao động, học tập, sản xuất; cần xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp; rèn luyện tác phong công nghiệp, thể hiện trước nhất ở việc tuân thủ và biết quý trọng thời gian; phát triển khả năng độc lập và tự chủ trong công việc; không ngừng học hỏi và nâng cao kiến thức chuyên môn, ý thức trách nhiệm và tinh thần cầu tiến. Đây cũng chính là biện pháp để chúng ta rèn luyện phẩm chất tốt đẹp của con người mới xã hội chủ nghĩa như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng quan tâm xây dựng: “Từ Chủ tịch Chính phủ cho đến người chạy giấy, người quét dọn trong một cơ quan nhỏ, đều là những người ăn lương của dân, làm việc cho dân, phải được dân tin cậy. Vì vậy, những người làm trong các công sở càng phải làm gương đời sống mới cho dân bắt chước... Làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ, về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo. Việc ngày nào, nên làm xong ngày ấy, chớ để chờ ngày mai. Phải nhớ rằng: dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và HSSV cần sử dụng hiệu quả thời gian bằng cách sắp xếp kế hoạch cụ thể, chi tiết; cần tích cực thi đua trong lao động, học tập, sản xuất; cần xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp; rèn luyện tác phong công nghiệp, thể hiện trước nhất ở việc tuân thủ và biết quý trọng thời gian; phát triển khả năng độc lập và tự chủ trong công việc; không ngừng học hỏi và nâng cao kiến thức chuyên môn, ý thức trách nhiệm và tinh thần cầu tiến.

                                                                                                        Ban tuyên giáo Đảng uỷ sưu tầm và biên soạn.

Ngày đăng: 16/05/2024
Thông tin liên quan
Đại hội Đảng bộ trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị lần thứ X nhiệm kỳ 2010 - 2015 thành công tốt đẹp
Học tập Nghị quyết Đại hội các cấp
Lễ kết nạp Đảng viên mới tại Chi bộ 06 thuộc Đảng bộ Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị
Đảng bộ trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị tổ chức Hội nghị Học tập, quán triệt và triển khai Nghị quyết trung ương 7 – Khóa XI
Lễ kết nạp Đảng viên mới tại các Chi bộ thuộc Đảng bộ Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị
Lễ kết nạp Đảng viên chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII nhiệm kì 2015 - 2020 của Đảng cộng sản Việt Nam tại Đảng bộ trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị
Đại hội Chi bộ 6 thuộc Đảng bộ trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị nhiệm kỳ 2015 - 2017
Tổ chức thành công Đại hội các Chi bộ Đảng nhiệm kỳ 2015 - 2017
Đại hội Đảng bộ trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị khóa XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã thành công tốt đẹp
Hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết trung ương lần thứ 12, khóa XI
TRƯỜNG CAO ĐẲNG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH ĐÔ THỊ - CDT0128
Địa chỉ: Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội
Điện thoại: Phòng Tổ chức - Hành chính (024).3652.0944 ; Phòng Đào tạo (024).3.8780401
Tư vấn tuyển sinh: (024).3.877.0034
Fax: (024).3.827.1305
Copyright 2016 © cuwc.edu.vn